Ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục và dạy học: Hướng đến nền “giáo dục điện tử”
Phòng GD-ĐT huyện Đông Triều là một trong những đơn vị cũng gặp không ít khó khăn ban đầu khi triển khai ứng dụng CNTT trong các nhà trường. Theo đồng chí Lưu Xuân Giới, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, lý do chính là vì một bộ phận giáo viên tuổi đã cao, những kiến thức cơ bản về CNTT với họ còn quá mới mẻ. Trước thách thức đó, Phòng GD-ĐT huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền để tạo ra sự đồng thuận từ lãnh đạo phòng, các trường đến giáo viên giảng dạy. Đồng thời, Phòng cũng tập trung công tác bồi dưỡng tin học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên bằng 2 hình thức chính là mở lớp đào tạo chính quy và tự bồi dưỡng. Đặc biệt, một trong những giải pháp mà huyện đã tổ chức để ứng dụng CNTT hiệu quả đó là thiết lập Cổng thông tin điện tử (tháng 1-2008) và đến tháng 1-2012 triển khai xây dựng thành Trung tâm Thông tin - Thư viện - Điện tử cấp huyện. Đây là Trung tâm được thiết kế xây dựng trên website (phần mềm) với công nghệ cổng thông tin (Portal), sử dụng Internet để vận hành, khai thác, cập nhật thông tin vào Trung tâm. Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã làm tốt việc giúp Phòng GD-ĐT huyện và các trường trên địa bàn phục vụ công tác quản lý, trao đổi, điều hành thông qua các chức năng chính như: Lưu trữ văn bản, báo cáo trực tuyến, công khai hoá các thông tin của các đơn vị trực thuộc. Nhận thấy hiệu quả này, tỉnh đang triển khai dự án nhân rộng mô hình Trung tâm Thông tin - Thư viện - Điện tử này ra tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Không riêng ngành GD-ĐT huyện Đông Triều, rất nhiều các đơn vị khác trong toàn tỉnh cũng đã ưu tiên, tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình. Có được điều này phần lớn là nhờ sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo sát sao của Bộ GD-ĐT và các cấp lãnh đạo tỉnh. Đến nay, 100% các đơn vị trường học từ mầm non đến THPT đều đã được kết nối Internet băng thông rộng (chỉ trừ các điểm trường nhỏ, lẻ khó khăn là chưa được kết nối); 100% số đơn vị đã được trang bị ít nhất 2 máy tính và 1 máy in; hệ thống phòng họp trực tuyến trên công nghệ Web Conference hiện đại đã được xây dựng tới 80 điểm cầu trong toàn tỉnh. Đặc biệt, đối với công tác ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, riêng trong 2 năm học, 2010-2011 và 2011-2012, Sở GD-ĐT đã tổ chức 29 lớp tập huấn có nội dung ứng dụng CNTT với tổng kinh phí 845 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) tổ chức cuộc thi ứng dụng CNTT trong dạy học tích cực. Thông qua cuộc thi này, Sở đã chọn được nhiều bài giảng ứng dụng CNTT có chất lượng, có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo rộng rãi. Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục. Từ tháng 4-2012, Sở đã phối hợp với Viettel triển khai phần mềm Quản lý trường học trực tuyến SMAS tới tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là một phần mềm quản lý trường học đúng với định hướng của Bộ GD-ĐT về một hệ thống quản lý trường học hoạt động trực tuyến, tập trung, không cần cài đặt tại nhà trường.
Với sự tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục và dạy học, hy vọng rằng công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Quảng Ninh sẽ có những bước phát triển thuận lợi, tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong diện mạo của các hoạt động giáo dục nói chung và trong các nhà trường nói riêng.