Cô học trò vùng cao và sáng kiến giúp mẹ
Em Trần Thị Ngân, thôn Pò Đán, xã Húc Động (Bình Liêu) với sáng kiến túi bón phân cho cây trồng.
Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất dong riềng của xã miền núi Húc Động, huyện Bình Liêu, ngay từ nhỏ, Trần Thị Ngân đã nhìn thấy bố mẹ và cô, bác, hàng xóm trong bản sớm chiều cặm cụi bên những đồi dong riềng, mỗi khi đến kỳ bón phân cho cây thường rất vất vả. Ngân nói: Cây dong riềng cao quá cả đầu người, vườn thì thường xa, lại phải leo trèo có khi hết cả quả đồi mới đến nơi, muốn bón phân cho cây mẹ em thường bê cả chậu, xô từ dưới dốc lên, rất vất vả. Chưa kể cứ phải cúi người xuống mới đặt phân vào tận gốc cây được, thường xuyên đau, mỏi lưng, và bị lá dong cọ vào người, gây ngứa, che khuất tầm nhìn. Mẹ em cũng hay trực tiếp dùng tay để bốc, bón phân mà không sử dụng găng tay, đồ bảo vệ, do đó, rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sự vất vả của mẹ và bà con trong bản là động lực để em tìm hiểu, phát minh ra sáng kiến này.
Ngân cũng chia sẻ thêm: Khi bày tỏ trăn trở và mong muốn với thầy giáo chủ nhiệm lớp Chu Tiến Tâm, thầy đã gợi ý cho em là tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của máng nghiêng rồi áp dụng thử xem sao. Với gợi mở đó, em tìm đọc những tài liệu liên quan đến máng nghiêng, rồi phác thảo sơ lược mô hình sản phẩm. Rất may trong quá trình thực hiện, thầy Tâm đã tận tình hướng dẫn, góp ý cho em để có được một sản phẩm hoàn chỉnh, đảm bảo tính ứng dụng nhất và tiết kiệm tối đa chi phí.
Em Trần Thị Ngân với sản phẩm của mình tại Hội thi sáng tạo TTN, NĐ tỉnh Quảng Ninh lần thứ V.
“Quan điểm của em là bên cạnh tính hữu dụng thì giá thành phải rẻ nhất, để người dân ai ai cũng có thể mua hoặc tự làm được. Vì vùng đồng bào dân tộc chúng em hầu như nhà nào kinh tế cũng khó khăn, việc bỏ một số tiền lớn để mua một sản phẩm mà không mang lại quá nhiều lợi ích thì người dân sẽ không làm. Túi bón phân cho cây trồng có kết cấu 3 phần, gồm: Túi chứa phân bón được làm từ các bao bì kèm quai đeo, ống nhựa PVC và van điều chỉnh lượng phân. Tổng chi phí cho sản phẩm là 21.000 đồng. Nguyên lý hoạt động của sản phẩm cũng rất đơn giản, người dân đổ phân vào túi chứa, đeo vào sau lưng, tay phải cầm ống nhựa và sử dụng van điều chỉnh ở thân ống để điều chỉnh lượng phân bón ra cho phù hợp.” – Ngân nói.
Là người đầu tiên được sử dụng “thành quả” sáng kiến của con gái, chị Trần Thị Sủi không khỏi xúc động: Lúc Ngân nói sẽ làm cho mẹ một “túi bón phân tự động”, tôi cũng không nghĩ đến khi sản phẩm đến tay nó lại hữu ích nhiều như thế cho người làm nông như chúng tôi. Có túi bón phân, việc bón phân cho cây trồng, nhất là cây dong riềng dễ dàng hơn nhiều, không tốn nhiều sức lực, nâng cao hiệu suất làm việc. Đặc biệt là dễ dàng vận chuyển, thao tác đơn giản, không phải tiếp xúc trực tiếp với phân bón. Nhiều bà con trong bản thấy đây là một dụng cụ có ích, dễ thực hiện từ những vật dụng trong nhà nên đã nhờ Ngân chia sẻ cách làm. Hiện tại, hầu hết các gia đình ở thôn Pò Đán đều có một “túi bón phân tự động” trong nhà.
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” là câu nói Ngân thích nhất. Với sáng kiến túi bón phân cho cây trồng, Trần Thị Ngân được Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ V, năm 2019 trao giải khuyến khích ở lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình. Ngân nói: “Điều em vui nhất là đã giúp được mẹ, các cô, bác làm nông trong thôn, bản đỡ vất vả hơn trong công việc hàng ngày bằng chính kiến thức mình đã học được. Dù có thể chỉ là sáng kiến nhỏ thôi, nhưng em tin rằng, khởi đầu này sẽ là động lực để em tiếp tục học hỏi, trau dồi kiến thức và có những sáng tạo lớn hơn sau này…”
Nguyên Ngọc - Báo Quảng Ninh