Trang Chủ 

Điểm mới trong công tác xây dựng “Mô hình bán trú – Mái ấm của học sinh vùng cao” trên địa bàn huyện Bình Liêu

 Giáo dục & Đào tạo có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi Bác Hồ còn sống, trong một lần trả lời báo chí nước ngoài vào năm 1946, Người đã nói “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mong muốn “ai cũng được học hành” thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tầm quan trọng của việc học, học để làm người, để kiến thiết đất nước.

Thực hiện Đề án 25 và Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 3/3/2015) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, đã tạo cơ hội để Ngành Giáo dục có hướng đi mới khắc phục những hạn chế tồn tại từ nhiều năm do đặc thù địa phương. Huyện Bình Liêu có 7 trường tiểu học và 1 trường PTDTBT Tiểu học và THCS, trong đó có 7 trường có học sinh bán trú theo Đề án 25. Số lượng học sinh bán trú của các trường khoảng từ 18% trở lên so với tỉ lệ học sinh toàn trường. Riêng trường Tiểu học Húc Động trong năm học 2020-2021 có 54 em học sinh bán trú. Các em đều là người dân tộc thiểu số, ở tại các điểm trường xa trung tâm nên còn nhiều hạn chế hiểu biết về văn hóa- xã hội, vốn sống,... Tuy nhiên các nhà trường trên địa bàn huyện đã thực hiện rất tốt việc đưa học sinh lớp 4,5 điểm trường lẻ về học bán trú. Đặc biệt trong năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Liêu đã tổ chức cuộc thi “Mô hình bán trú – Mái nhà chung của học sinh vùng cao” đã thúc đẩy công tác xây dựng môi trường bán trú tại các nhà trường, góp phần thúc đẩy cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất và công tác chỉ đạo, giáo dục học sinh toàn diện hơn.

Trong 5 năm qua việc thực hiện thí điểm mô hình bán trú và dồn ghép các điểm trường đã tạo cơ hội để học sinh tại các điểm trường vùng cao nhận được sự quan tâm về mọi mặt. Cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho công tác tổ chức ăn bán trú đầy đủ. Đảm bảo có đủ các phòng như: khu bếp một chiều, phòng ăn sạch sẽ, thoáng mát; phòng ngủ; khu vực tắm giặt, vệ sinh đảm bảo nguồn nước,.. Khuôn viên các nhà trường được vẽ trang trí bằng những hình ảnh vừa rực rỡ sắc màu giới thiệu kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc vừa mang tính giáo dục cộng đồng cao. Hệ thống cây xanh, ghế đá được bổ sung tạo không gian xanh – sạch – đẹp, thân thiện. Đặc biệt các nhà tưởng đã tạo sân chơi cho học sinh bằng các khu vui chơi như sân bóng đá, bóng rổ, cờ vua, các trò chơi dân gian, thư viện xanh,...

Để giúp cho các em được hoà nhập cộng đồng một cách tự nhiên; tạo thói quen tự lập, hoà đồng, hợp tác,… Các nhà trường đã tạo ra môi trường bán trú “thân thiện, an toàn” giúp các em kiến thức không những tiếp thu qua bài học trên lớp mà còn mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn tự tin, rèn luyện kỹ năng sống, đoàn kết, gần gũi, chia sẻ với bạn bè, thầy cô. Ở đây các em không những được học kiến thức mà còn được học nhiều kỹ năng mềm để tự chăm sóc bản thân, giúp đỡ bạn bè và các hoạt động cộng đồng. Thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, trải nghiệm, các hoạt động tập thể để thu hút học sinh tham gia,...

Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học bằng các hình thức như: tuyên truyền, nói chuyện, nhắc nhở; tổ chức các buổi lao động vệ sinh tập trung khu bán trú; hướng dẫn các em cách phòng bệnh theo mùa,…

Chất lượng học tập của học sinh các lớp bán trú được nâng dần lên. Khả năng Tiếng Việt của học sinh có nhiều tiến bộ, các em mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động giao tiếp và học tập; ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhân viên cũng có những chuyển biến rõ rệt. Các trường học đã chủ động trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên tham gia các tổ nhóm quản lý bán trú tương đối hiệu quả và khoa học. Việc duy trì sĩ số học sinh và độ chuyên cần tương đối đảm bảo. Các chế độ về bán trú cho học sinh được triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng. Công tác xã hội hóa cũng có nhiều chuyển biến tích cực: Nhiều cá nhân và đơn vị đã tích cực ủng hộ chăn, màn, quần áo, sách vở cho học sinh bán trú.

Tuy nhiên để công tác bán trú nhà trường được sự đồng thuận và hưởng ứng, tin tưởng của phụ huynh thì các nhà trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân dân trên địa bàn. Đặc biệt tuyên truyền sâu rộng tới phụ huynh học sinh nắm rõ mục đích cũng như hiệu quả của việc thực hiện mô hình dồn ghép các điểm trường, đưa học sinh lớp 4,5 các điểm trường lẻ tập trung về điểm trường chính. Đó là các em có điều kiện học tập, sinh hoạt trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Khi về trường chính, học sinh được ăn ở tập trung, rèn luyện kỹ năng sống, tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ, nói thành thạo tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin hơn. Đặc biệt được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các em có được sự hỗ trợ về chế độ chính sách như gạo, tiền ăn, sự quan tâm hỗ trợ đồ dùng học tập của các đoàn thiện nguyện,...

Chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Trên cơ sở đó, các chủ trương về giáo dục, dạy học, chăm sóc trẻ em của Đảng, Nhà nước, của các cấp quản lý, cần phải được ủng hộ, chấp hành một cách tự giác. Có như vậy, mới tạo động lực cho nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc giáo dục trẻ em thành những "con ngoan - trò giỏi" và xây dựng hiệu quả “Mô hình bán trú – Mái nhà chung của học sinh vùng cao”. Học sinh được trau dồi và nâng cao kỹ năng sống, mạnh dạn và tự tin hơn trong giao tiếp, mạnh dạn, lễ phép, gọn gàng, sạch sẽ, tự tin hơn, có tính tự lập cá nhân và tính đoàn kết tập thể.

Thực hiện dạy học bán trú đưa lại những lợi ích lớn và bền vững cho học sinh, nhà trường, xã hội. Cho nên, các trường tiểu học phải phối hợp với gia đình và xã hội để nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, chăm sóc, phục vụ học sinh. Gia đình học sinh phát huy vai trò phối hợp ủng hộ để nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Huy động nhân - tài - vật lực của cộng đồng góp phần xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường, tạo điều kiện để học sinh được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Góp phần giáo dục toàn diện các thế hệ tương lai để xây dựng quê hương Bình Liêu ngày càng giàu đẹp hơn.

Lục Thị Quý – Phó hiệu trưởng

Tin Mới 
Hoạt Động