Trung tâm học tập cộng đồng 

Hội nghị đánh giá hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn 2009-2013

                                     Đồng chí Trịnh Văn Duyệt kết luận hội nghị

Ngày 29/10/2013, UBND huyện đã tổ chức Hội nghị đánh giá đánh giá hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) giai đoạn 2009-2013. Đồng chí Trịnh Văn Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.

Trung tâm HTCĐ được biết đến là mô hình học tập phù hợp, lâu dài cho các đối tượng và mọi tầng lớp nhân dân ở cấp cơ sở, tiện lợi cho việc học tập suốt đời, phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhận thức rõ vai trò và vị trí quan trọng của TTHTCĐ, năm 2006, UBND huyện Bình Liêu đã quyết định thành lập 02 TTHTCĐ cho các xã Lục Hồn và Tình Húc. Đến cuối năm 2008, 100% các xã, thị trấn trong huyện đều được thành lập TTHTCĐ và đi vào hoạt động. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 01-NQ/TV ngày 12/11/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020, Huyện ủy Bình Liêu đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/HU ngày 22/3/2011 thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TV ngày 12/11/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020. Theo đó, các hoạt động của TTHTCĐ gắn với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 của Tỉnh ủy.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong những năm qua, các TTHTCĐ đã có nhiều giải pháp tích cực trong hoạt động. Một số trung tâm đã chú trọng đến việc điều tra nhu cầu học tập của người dân, lựa chọn những chuyên đề phù hợp cho các đối tượng trên địa bàn. Ngoài các lớp mở tại trung tâm xã, các TTHTCĐ cũng đã chú trọng tới việc mở các lớp học về tận các thôn, bản để nhân dân tiện đi lại, thuận lợi trong việc tham gia học tập. Hoạt động của các trung tâm tập trung vào việc tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, dạy kỹ năng sống cho thanh niên, tập huấn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc… Nội dung tuyên truyền cơ bản tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân nên đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Từ năm 2009 đến nay, các TTHTCĐ trong huyện đã mở được 234 lớp, thu hút 12.577 lượt học viên tham dự. Thông qua những buổi tập huấn, nhiều người dân đã hiểu biết thêm về chính sách, pháp luật, của Đảng và Nhà nước, có thêm kiến thức trong phát triển kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo, được trang bị kiến thức bảo vệ sức khoẻ, nâng cao hiểu biết xã hội, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần, thực hiện nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, ở một số TTHTCĐ, ban giám đốc Trung tâm còn thiếu sự gắn kết trong công việc, chưa dành thời gian quan tâm, đầu tư cho hoạt động của trung tâm, chưa chủ động phối hợp trong công tác, lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, khảo sát nhu cầu học tập của người dân sở tại để mở lớp.

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại của các Trung tâm HTCĐ và bài học, kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ thời gian tới. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Văn Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện đã nêu cao vai trò của TTHTCĐ, đồng thời ghi nhận những cố gắng của các TTHTCĐ trong thời gian qua. Đồng chí yêu cầu các TTHTCĐ, các ban, ngành đoàn thể trong huyện cần thực hiện tốt một số nội dung đó là: Quán triệt đầy đủ, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của các TTHTCĐ và giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục hiện nay. Tăng cường công tác tuyên truyền cho các cấp, các ban, ngành và nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Qua đó, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có một môi trường học tập thuận tiện, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của nhân dân; Tiếp tục kiện toàn bộ máy của các TTHTCĐ. Xây dựng quy chế hoạt động dựa trên yêu cầu, nhiệm vụ của trung tâm và điều kiện thực tế của từng xã, thị trấn, hướng tới xây dựng địa phương theo hướng phát triển ngày càng hiện đại. Đặc biệt là BGĐ các trung tâm phải xác định được nội dung hoạt động, mục tiêu là phục vụ tốt nhất cho người học (cụ thể là người dân ở địa phương); Nêu cao vai trò của ban giám đốc các trung tâm; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc tổ chức hoạt động của TTHTCĐ nói riêng và giáo dục thường xuyên nói chung; Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo và làm tốt công tác phối hợp để giáo dục huyện nhà ngày càng phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị Phòng GD&ĐT tham mưu xây dựng một đội ngũ báo cáo viên cấp huyện để khi cần thiết có thể hỗ trợ các TTHTCĐ trong công tác giảng dạy.

Bùi Thị Khuyên (Phòng GD&ĐT)