Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
PHÒNG GD& ĐT BÌNH LIÊU CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG THCS LỤC HỒN Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 68 /KH-THCSLH Lục Hồn, ngày 15 tháng 10 năm 2012
KẾ HOẠCH
Chiến lược phát triển nhà trường
giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
I. Giới thiệu tổng quan nhà trường:
Trường trung học cơ sở Lục Hồn được tách ra từ Trường phổ thông cơ sở Lục Hồn theo Quyết định số: 318/QĐ-UB ngày 20 tháng 8 năm 2003 QĐ của Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu “ V/v tách và thành lập trường học”..
Năm 2003 Trường THCS Lục Hồn được xây dựng với 10 phòng học kiên cố, 02 dãy nhà với 14 phòng sử dụng là nơi làm việc của cán bộ, giáo viên- nhân viên và nhà công vụ chi cán bộ, giáo viên – nhân viên trong trường.
Qua hơn 9 năm xây dựng, hình thành và phát triển nhà trường gắn liền với sự phát triển chung của ngành Giáo dục và Đào tạo Bình Liêu. Mặc dù trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng chất lượng dạy và học của trường từng bước được nâng lên rõ rệt. Đã đào tạo nên những thầy cô giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, không những có phẩm chất đạo đức gương mẫu mà còn giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Có học sinh giỏi, thành đạt và trưởng thành được xuất thân từ mái trường trung học cơ sở, từ đó góp phần tạo uy tín, niềm tin đối với lãnh đạo, nhân dân và cha mẹ học sinh. Với những thành quả đạt được trường đã từng bước được đầu tư xây dựng cở sở vật chất, cung cấp các trang thiết thiết bị dạy học ngày càng được hoàn thiện, hiện đại đã tạo nên một hình ảnh và diện mạo mới của Trường trung học cơ sở Lục Hồn.
Năm học 2011 - 2012 với sự đầu tư và quan tâm của ngành giáo dục, sự hỗ trợ của Đảng- chính quyền địa phương và sự hợp tác đầy trách nhiệm của cha mẹ học sinh, Trường trung học cơ sở Lục Hồn xây dựng thêm 01 khu 2 tầng với 02 phòng học bộ môn, 01 phòng tin học và 04 phòng chức năng khác.
Trường trung học cơ sở Lục Hồn:
Địa chỉ: Thôn Bản Pạt xã Lục Hồn - huyện Bình Liêu- tỉnh Quảng Ninh.
Điện thoại: 0332 214 356 – 0333.878 936
Email: Trườngthcsluchon@pgdbinhlieu.edu.vn
Webside: www.thcsluchon.edu.vn
Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là kế hoạch chiến lược quan trọng của nhà trường từ việc đánh giá thực trạng, xu thế hội nhập và phát triển để xác định nhiệm vụ chiến lược bằng những định hướng lớn, những mục tiêu quan trọng cần đạt được trên cơ sở xây dựng những nhóm giải pháp phù hợp, sáng tạo, mang tầm nhìn xa, rộng để xây dựng và phát triển toàn diện nhà trường.
Việc xây dựng kế hoạch chiến lược này làm cơ sở rất quan trọng để giúp Hội đồng trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có trách nhiệm nỗ lực phấn đấu để xây dựng lộ trình phát triển nhà trường một cách khả thi trong từng giai đoạn nhất định để vươn xa trong tương lai theo hướng phát triển toàn diện và bền vững.
Những thành tích nổi bật của Trường trung học cơ sở Lục Hồn:
Từ năm 2003 đến năm 2011 trường đạt trường tiên tiến. Năm 2012 trường đạt trường tiên tiến xuất sắc.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm 98 đến 100%, tỷ lệ được tuyển vào lớp 10 hàng năm khoảng 65% đến 70%. Chất lượng giáo dục đại trà hàng năm giỏi trên 3%, yếu- kém dưới 10%.
Tỷ lệ bỏ học và lưu ban hàng năm dưới 5%, trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2005 và đang điều tra bước trung gian phổ cập giáo dục trung học.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo: 33,3% cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, tỷ lệ giáo viên giỏi cấp trường trên 40%, chiến sĩ thi đua các cấp hàng năm trên 16%.
II. Phân tích môi trường:
1.Đặc điểm tình hình:
a) Môi trường bên trong:
* Mặt mạnh:
- Ban giám hiệu: Trường Trung học cơ sở Lục Hồn có tổng số cán bộ, giáo viên là 20/33 nữ; trong đó Ban giám hiệu có 2 đồng chí đều đạt trình độ trên chuẩn, đồng chí Hiệu trưởng hoàn chỉnh lớp trung cấp chính trị và quản lý giáo dục, đảm nhiệm công tác quản lý nhiều năm nên đã học tập, tích lũy kinh nghiệm nâng cao trình độ quản lý ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Trong tổ chức thực hiện luôn thể hiện tầm nhìn khoa học, sáng tạo trong công việc đề xuất các chủ trương và biện pháp thực hiện phù hợp yêu cầu thực tế của địa phương, của ngành và đáp ứng kịp thời với xu thế hội nhập và phát triển giáo dục, từ đó góp xây dựng nhà trường phát triển đúng hướng, bền vững và đạt hiệu quả thiết thực.
- Giáo viên, nhân viên: đều đạt chuẩn qui định, tỉ lệ giáo viên trên lớp đạt 2,16. Trường dạy đủ tất cả các bộ môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài ra còn thực hiện các chương trình giáo dục ngoại khóa cho học sinh như: Hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, học tự chọn môn tin học…Giáo viên có bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn tốt, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao. Trường luôn tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chuyên môn nhất là nâng cao trình độ và nghiệp vụ sư phạm nhà giáo; từ đó giáo viên từng bước được nâng cao tay nghề, có thầy cô đạt các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh nhiều năm liền.
- Học sinh: Đa số các em học sinh của trường rất lễ phép với thầy cô giáo, tôn trong người lớn tuổi, luôn hoà nhã, thân thiện và đoàn kết với bạn bè. Đa số các em xác định đúng đắn động cơ thái độ học tập của mình, chăm chỉ, siêng năng, cần mẫn trong tập, chấp hành tốt nội qui nhà trường. Ngoài ra các em còn tham gia tốt các phong trào hoạt động ngoại khóa, hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua của nhà trường, ngành giáo dục và của Đoàn, Đội đề ra.
- Về cơ sở vật chất: Trường trung học cơ sở Lục Hồn được xây dựng khang trang, năm học 2011 - 2012 trường được ngành giáo dục đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí sửa chữa bảng biểu, khẩu hiệu, phòng Truyền thống để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập và các phong trào hoạt động ngoại khóa khác.
Tổng diện tích đất của trường là 7574 m2, xung quanh có hàng rào và cổng trường khá kiên cố. Trường có 13 phòng, trong đó có: 10 phòng học thường; 2 phòng học bộ môn; 1 phòng học tin học và 4 phòng chức năng khác.
Khu làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên gồm 08 phòng, các phòng đều trang bị máy vi tính để bàn, tất cả các máy tính đều có nối mạng Internet phục vụ cho công tác thu nhận thông tin, báo cáo đồng thời giúp giáo viên và học sinh truy cập mạng tuyển chọn nội dung phục vụ cho giảng dạy- học tập. Ngoài ra trường còn được trang bị 2 máy tính xách tay, 3 bộ máy chiếu để giúp giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học.
* Mặt yếu:
Cơ sở vật chất do xây dựng và sử dụng lâu ( năm 2003) hiện tại có 05 phòng khác đang xuống cấp, trang thiết bị dạy học hỏng chưa được cấp bổ sung hàng năm. Thư viện trường hẹp, số lượng đầu sách mỏng.
Đời sống của người dân trong xã còn khó khăn, nhiều gia đình học sinh quá khó khăn về cuộc sống, bất hòa trong hạnh phúc gia đình hoặc đi làm ăn xa, ít quan tâm đến việc học tập và giáo dục học sinh nên các em sa sút về đạo đức, tụ tập tham gia các trò chơi điện tử, bi a , yếu kém trong học tập dẫn đến chán học, bỏ học; Đây là điều trăn trở của nhà trường trong những năm qua cần có sự hợp tác của cộng đồng và xã hội.
Còn vài giáo viên tinh thần tự học - tự rèn chưa được đầu tư, nhất là năng lực tiếp cận công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học. Chưa thể hiện rõ sự tận tụy trong công tác giáo dục học sinh nhất là học sinh chưa ngoan và học sinh yếu kém. Môi trường giáo dục tuy có sự hợp tác và cộng đồng trách nhiệm giữa nhà trường - gia đình - xã hội nhưng cạnh trục lộ trên đường đi học của các em có các điểm phục vụ vui chơi như: trò chơi điện tử, bi da, các hình thức vui chơi có tiền, ý thức tham gia giao thông chưa tốt nên việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện là trách nhiệm rất lớn đối với nhà trường..
b) Môi trường bên ngoài:
* Cơ hội:
Thực hiện Chỉ thị số 40/CT - TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” là một cơ hội thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo có trình độ trên chuẩn, có nghiệp vụ vững vàng để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học. Đồng thời nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng ngang tầm với xu thế phát triển và hội nhập.
Thực hiện các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hai không ” với 4 nội dung của ngành, gắn với phong trào thi đua: “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là cơ hội và điều kiện thuận lợi để từng cán bộ giáo viên nêu cao hình ảnh đạo đức nhà giáo, tận tụy và tha thiết với nghề, thể hiện lương tâm đạo đức nhà giáo; Đồng thời đánh giá trung thực chất lượng và hiệu quả giáo dục theo phương châm: dạy thực chất - học thực chất và thi thực chât; Mặc khác, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, kích thích tính tích cực, tư duy sáng tạo, tự giác và năng động của học sinh.
Chất lượng giáo dục của nhà trường có sự tiến bộ rõ nét cả về chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn, số lượng và chất lượng giáo viên dạy giỏi cấp huyện tỉnh hàng năm tăng dần. Song song đó trường đã công nhận đạt chuẩn công tác phổ cập giáo dục trung học vào năm 2005, cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó đã góp phần nâng cao dân trí - đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho địa phương.
Trên cơ sở thực hiện các chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về: Đổi mới công tác quản lý tài chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Đổi mối công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đã góp phần nâng cao năng lực, vị thế đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục góp phần chấn hưng nền giáo dục để Giáo dục và Đào tạo xứng đáng là quốc sách hàng đầu.
Trường đang trên lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 - 2015.
Các hội đồng tư vấn giáo dục: Hội đồng giáo dục xã hoạt động khá tốt, trong đó nổi bậc là vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh và chi Hội khuyến học, trong việc chỉnh trang xây dựng trường lớp đồng thời giúp đỡ nhà trường về vật chất lẫn tinh thần để kịp thời khen thưởng giáo viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc đặc biệt là giúp học sinh nghèo - vượt khó học tốt, học sinh có hoàn cảnh bất hạnh, học sinh có nguy cơ bỏ học trở lại trường.
* Thách thức:
Tuy địa phương thực hiện khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao, cuộc sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, cha mẹ học sinh tập trung lo mưu sinh lập nghiệp nên ít có điều kiện quan tâm và đầu tư cho việc học tập của con em mình, dẫn đến các em học yếu, bỏ học. Cá biệt có một số cha mẹ học sinh có điều kiện kinh tế khá nhưng do quá dung túng, nuông chiều các em dẫn đến sa sút về đạo đức lối sống, đua đòi, thực dụng và sa ngã trên con đường học vấn. Một số học sinh ở các thôn bản vùng cao đường liên thông đi lại khó khăn, nhận thức của người dân còn thấp. Đây là thách thức không nhỏ đối với nhà trường.
Trong xu thế hội nhập với nền kinh tế năng động và phát triển luôn đòi hỏi nhà trường phải nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo học sinh có năng lực thực sự không chỉ ở trình độ tri thức mà còn đòi hỏi những tố chất cần thiết để thích ứng như: năng động, sáng tạo, nhạy bén trong tiếp cận tri thức, khả năng giao tiếp, ứng xử; trước hết đòi hỏi phải giải quyết vấn đề nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ tin học, ngoại ngữ, định hướng nghề nghiệp … so thực tế ngành giáo dục huyện nhà và đối với nhà trường còn là thách thức lớn của người làm công tác quản lý giáo dục.
Trước nhu cầu đòi hỏi của xã hội là nhà trường phải đào tạo ra thế hệ học sinh ngoan về đạo đức, giỏi về học lực, năng động và sáng tạo trong tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại. Nhưng với cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng ngang tầm với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Tiêu chuẩn đánh giá xếp loại đối với hiệu trưởng và giáo viên ngày càng cao trong đó có những tiêu chí ngoài sức phấn đấu của cá nhân đây là vấn đề cần quan tâm và nan giải.
Nhiều nội dung hoạt động ngoại khóa đưa vào chương trình giảng dạy ngày càng nhiều, việc thực hiện chuẩn kiến thức và kỹ năng còn bất cập, trong đó việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung, hình thức và chất lượng giáo dục.
2. Các vấn đề chiến lược:
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhà trường, đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, tư duy sáng tạo và tinh thần tự học của học sinh. Ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại chuẩn Hiệu trưởng và chuẩn giáo viên.
Nâng cao nhận thức trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tầm nhìn chiến lược, thương hiệu của trường, trong đó tập trung thực hiện tốt phương châm: Quản lý giỏi - dạy giỏi - học giỏi. Ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn, kết hợp với tham gia các phong trào hoạt động ngoại khóa.
Kiện toàn nề nếp kỷ cương nhà trường, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra nội bộ, thực hiện nghiêm túc việc kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục để có sự điều chỉnh thích ứng kịp thời. Mỗi cán bộ giáo viên phát huy tinh thần tự học tự rèn: nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, hợp tác, hội nhập, giao lưu cùng phát triển.
Tập trung tham mưu xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo tiêu chí của các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Trong đó ưu tiên đầu tư thiết bị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập. Xây dựng Website nhà trường. bước đầu quản lý tốt thư viện nhà trường và sử dụng có hiệu quả.
Phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia trong năm học 2012 - 2013, thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “ Trường học thân thiện – Học sinh tích cực” với tiêu chí : Trường xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện”; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học hàng năm. Duy trì, củng cố và phát huy phong trào xã hội hóa giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
III. Định hướng chiến lược:
1. Sứ mạng
Xây dựng môi trường giáo duc lành mạnh, thân thiện và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, để mỗi học sinh đều có cơ hội học giỏi, phát triển tài năng và tư duy sáng tạo.
2. Hệ thống giá trị cơ bản của nhà trường
- Lòng nhân ái
-Tình đoàn kết
- Tinh thần trách nhiệm
- Tính sáng tạo và khát vọng vươn lên
- Sự thân thiện và yêu thương
-Tính trung thực và lòng khoan dung
- Sự hợp tác
3. Tầm nhìn
Là trường có chất lượng giáo dục tốt, để học sinh học tập và rèn luyện nhân cách, nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn tới sự thành đạt.
IV. Mục tiêu chiến lược
1.Mục tiêu chung:
Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và chất lượng giáo dục học sinh; Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy và học tập; Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện để vươn tới nhà trường phát triển toàn diện và bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Nâng cao chất lượng đội ngũ từ năm 2010 đến năm 2015:
- Tất cả cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn: 100%. Trong đó trình độ trên chuẩn đạt 40% vào năm 2015 và đạt trên 50% vào năm 2020.
-Tất cả cán bộ quản lý, tổ trưởng phải đạt trình độ trên chuẩn 100%, hoàn chỉnh lớp cán bộ quản lý giáo dục và trung cấp chính trị: trên 10% vào năm 2015 và đạt trên 20% vào năm 2020.
- Giáo viên dạy giỏi cấp trường 50%, cấp huyện 30% và cấp tỉnh 10% năm 2015. Không có giáo viên xếp loại năng lực chuyên môn trung bình.
- Giáo viên biết sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy: 90%, trên 10% cán bộ giáo viên có chứng chỉ A Tiếng Anh.
b) Qui mô phát triển và chất lượng giáo dục học sinh đến năm 2015:
* Qui mô phát triển:
Đến năm 2015, Trường có: 11 lớp với 339 học sinh
đến năm 2020 trường có 10 lớp với 330 học sinh
Mỗi khối có 2-3 lớp, bình quân số học sinh/ lớp: 25 - 45 học sinh
*Chất lượng giáo dục:
Hạnh kiểm: Loại tốt trên 90%, loại khá dưới 10%.
Học lực: Giỏi: 5%, Khá: 33%, TB: 60%, Yếu: 2% ( trong đó tỷ lệ lưu ban và bỏ học dưới 1%)
Tỉ lệ tuyển vào lớp 6: 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học Tốt nghiệp trung học cơ sở: 100%; Tuyển vào lớp 10: 70% đến 75%.
Mỗi năm học sinh giỏi cấp huyện: 05 em, học sinh giỏi cấp Tỉnh: 02 em.
100% học sinh lớp 8 học nghề phổ thông ( nếu có).
100% học sinh được học ngoại ngữ.
c) Cơ sở vật chất
Tham mưu với ngành và địa phương hàng năm đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa các cơ sở vật chất đang xuống cấp, bảo quản và sử dụng triệt để tài sản nhà trường hiện có.
Khai thác hiệu quả hoạt động của các phòng chức năng, phòng bộ môn và các trang thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học.
Từng bước nâng cấp, chỉnh trang, xây dựng cảnh quan nhà trường theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.
Kết hợp việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được cấp, khai thác tìm lực của địa phương, tranh thủ các nguồn lực của xã hội và cộng đồng góp phần xây dựng nhà trường văn minh, hiện đại để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và cộng đồng.
d) Thành tích phấn đấu:
Giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu hàng năm đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc, giữ vững thành quả công tác phổ cập giáo dục trung học. Xây dựng hệ thống chính trị trong nhà trường vững mạnh xuất sắc. Xây dựng trường đạt trường xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.
V. Các giải pháp chiến lược:
1. Đổi mới công tác lãnh đạo và quản lý:
Nâng cao năng lực lãnh đạo và công tác quản lý giáo dục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành công việc, tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo tinh thần chỉ đạo về đổi mới công tác quản lý. Tổ chức và hoàn thiện theo các tiêu chuẩn quy định theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hướng dẫn số 430/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26 tháng 01 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng nội bộ đoàn kết, thân ái với tinh thần trách nhiệm cao. Cán bộ, giáo viên đủ số lượng và chất lượng có trình độ chuẩn trở lên, ưu tiên đầu tư trên chuẩn về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Biết ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, phấn đấu đạt trình độ ngoại ngữ cơ bản.
Thực hiện tốt cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, thể hiện sự năng động, sáng tạo và đổi mới trong cách nghĩ cách làm, luôn hoàn thành và đạt hiệu quả cao đối với công việc được giao, có chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên theo Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 10 năm 2009 kèm theo hướng dẫn số 660/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi thầy cô giáo thể hiện lòng thương yêu đối với học sinh, thân thiện đoàn kết gắn bó với đồng nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Làm tốt công tác quy hoạch gắn với đào tạo và bồi dưỡng trình độ quản lý, trình độ lý luận chính trị.
Kiện toàn nề nếp kỷ cương nhà trường, xây dựng quy chế làm việc, quy chế cơ quan, quy chế dân chủ và quy chế chi tiêu nội bộ; Thực hiện tốt công khai hóa dân chủ hóa về tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện chu đáo công tác kế hoạch hóa trong công tác quản lý, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ. Tổ chức chu đáo các phong trào thi đua, khen thưởng, kỷ luật và giao lưu học tập rút kinh nghiệm với tinh thần hợp tác để phát triển.
* Những hành động chính:
Xây dựng kế hoạch, giải pháp và tổ chức thực hiện mang tính khả thi, phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển và tầm nhìn vươn tới tương lai.
Tập trung huy hoạch, học tập nâng cao trình độ trên chuẩn về chính trị và chuyên môn. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên nâng dần trình độ để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặc ra.
Quán triệt và thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà Nước và của Ngành đồng thời tổ chức học tập và quán triệt cho tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh nhận thức và hành động đúng.
Xây dựng và thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra nội bộ, tổ chức nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại hiệu trưởng và giáo viên theo chuẩn quy định hàng năm. Thực hiện tốt phân công phân nhiệm kết hợp kiểm tra đánh giá khen thưởng và kỷ luật.
2. Nâng cao chất lượng dạy và học
Tổ chức và thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Hai không” với phương châm: dạy thực chất- học thực chất và thi thực chất, hưởng ứng tốt phong trào thi đua: “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ mà trực tiếp là giáo viên dạy lớp: Vững vàng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo. Không ngừng nâng cao tinh thần tự học tự rèn, khai thác, sử dụng triệt để các phương tiện phục vụ dạy học nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tư tin trong học tập
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn và chất lượng giáo dục đại trà: Ưu tiên phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo và giúp đỡ học sinh yếu kém từng bước tiến bộ vững chắc.
Thực hiện nghiêm túc trong đổi mới công tác kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của học sinh góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học. Việc kiểm tra học sinh đúng chuẩn kiến thức và kỹ năng, việc đánh giá, xếp loại học sinh thực hiện đúng theo các quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với phương châm đúng thực chất về năng lực và trình độ của học sinh, từng bước nâng dần chất lượng thật sự theo hướng vững chắc.
Song song đó việc giáo dục học sinh có thái độ và động cơ học tập đúng đắn, trung thực, tự giác trong học tập. Tăng cường giáo dục các em về đạo đức lối sống, hình thành nhân cách và kỹ năng sống cho các em, tổ chức tốt các phong trào hoạt động ngoại khóa góp phần giáo dục các em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, lao động hướng nghiệp…
* Hành động chính
Triển khai thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Hai không” và quy chế chuyên môn. Ưu tiên đầu tư nâng cao vị trí, vai trò nhiệm vụ của các tổ trưởng chuyên môn và chất lượng hoạt động của tổ.
Đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy thông qua thi giáo viên dạy giỏi, tinh thần tự học tự rèn, ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học,
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo và quan tâm giúp đỡ học sinh yếu kém.
Thực hiện tốt phương châm: dạy thực chất- học thực chất- thi thực chất. Tổ chức đánh giá, xếp loại học sinh công bằng, công tâm và chính xác.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất tạo điều kiện giáo viên sử dụng có hiệu quả Internet, xin tư vấn xây dựng và sử dụng nguồn học liệu mở có hiệu quả, thực hiện Website của trường.
3. Phát triển cơ sở vật chất nhà trường
Tham mưu xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất theo hướng trường chuẩn quốc gia, có đẩy đủ phương tiện phục vụ quản lý, giảng dạy, học tập. Tạo cảnh quan nhà trường xanh sạch đẹp, phòng học bộ môn đạt chuẩn về diện tích bàn ghế, sân chơi, bãi tập.
Đầu tư các trang thiết bị dạy và học góp phần đảm bảo đủ điều kiện để giáo viên thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy và học đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập.
Đổi mới công tác quản lý tài chính tài sản, thực hiện công khai hóa dân chủ hóa, tạo sự công bằng trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, giáo viên và học sinh.
* Hành động chính
Tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc xin kinh phí đầu tư xây theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Tiếp tục đầu tư mua sắm thiết bị và các phương tiện dạy học phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là thiết bị ứng dụng côn nghệ thông tin.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của phòng tin học, các phòng học bộ môn phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho các phong trào hoạt động ngoại khoa, các nhu cầu tối thiểu của cán bộ, giáo viên và học sinh: nhà vệ sinh, điện, nước, quạt và những lợi ích chính đáng khác.
4. Công tác xã hội hóa giáo dục:
Củng cố, duy trì và phát huy thành quả công tác xã hội hóa giáo dục ở địa phương, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và thân thiện. Tham mưu với Đảng, chính quyền và phối hợp tốt với các đoàn thể đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng để nâng cao trách nhiệm và nhận thức của mọi người quan tâm đến giáo dục.
Vận động và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục đặc biệt là chỉnh trang cơ sở vật chất, khen thưởng cán bộ giáo viên, học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh nghèo bất hạnh có nguy cơ bỏ học.
Tiếp tục phát huy vai trò hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh - Hội khuyến học để làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình hiếu học. Tạo nguồn lực cho giáo dục ngày càng phát triển góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và xã hội.
* Hành động chính
Thực hiện tốt công tác tham mưu đối với ngành giáo dục, Đảng, chính quyền địa phương về công tác giáo dục.
Hàng năm tiến hành củng cố Hội đồng giáo dục, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội khuyến học và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trên hoạt động theo đúng điều lệ và tôn chỉ mục đích của mình.
Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, các ấp và các lực lượng xã hội để cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục và cam kết cộng đồng trách nhiệm.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực vật chất lẫn tinh thần tại địa phương, trong tỉnh, ngoài tỉnh…để đầu tư cho sự phát triển về công tác giáo dục ở địa phương, thực hiện chu đáo tính công khai, dân chủ, công bằng trong giáo dục để mọi người trong xã hội có điều kiện tham gia giáo dục có hiệu quả.
Tuyên truyền và thực hiện các tiêu chí của đề án xây dựng nông thôn mới của xã, hoàn thành năm 2015.
5. Xây dựng thương hiệu:
Trường trung học cơ sở Lục Hồn gần 10 năm hình thành và phát triển, trường đã gặt hái những thành tích rất đáng được biểu dương trân trọng: xây dựng nhà trường phát triển toàn diện và bền vững nhiều năm liền đạt trường lao động tiên tiến. Đặc biệt với phương châm: Quản lý giỏi- dạy giỏi - học giỏi đã góp phần tô đậm thành tích đạt được của trường trong quản lý, giảng dạy và học tập và các phong trào hoạt động ngoại khóa khác.
Do vậy việc xây dựng thương hiệu nhà trường với phương châm quản lý giỏi- dạy giỏi- học giỏi được thể hiện bằng sự nổ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh phấn đấu qua từng năm học. Tạo nên sự chuyển biến thật sự về chất lượng mang tính ổn định, bền vững, đúng thực chất, đây là nét đẹp về truyền thống của nhà trường.
Mặc khác, với thành tích đạt được trong những năm qua đã góp phần tạo uy tín, niền tin và sự tín nhiệm của cha mẹ học sinh, xã hội và cộng đồng đối với nhà trường. Từ đó nhà trường luôn được lãnh đạo đảng, chính quyền, ngành giáo dục và xã hội quan tâm hỗ trợ và giúp đỡ nhà trường ngày càng phát triển đồng bộ, toàn diện. Góp phần tạo nên những thành tích tốt đẹp của nhà trường đối với sự phát triển chung của ngành giáo dục đào tạo huyện nhà. Do vậy nhà trường nêu cao tinh thần trách nhiệm ra sức thi đua quản lý giỏi- dạy giỏi- học giỏi để giữ vững thương hiệu của mình.
VI. Đề xuất tổ chức thực hiện và đánh giá, giám sát kế hoạch chiến lược:
1.Tổ chức thực hiện kế hoạch chiến lược:
Thành lập ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tiến hành hoạch định chiến lược phù hợp thực trạng, định hướng tầm nhìn và chiến lược phát triển mang tính khả thi phù hợp xu thế hội nhập, phát triển và vươn tới tương lai.
Nâng cao nhận thức và phổ biến kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường; Tham mưu và tuyên truyền rộng rãi đến tất cả các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội, cha mẹ học sinh, xã hội và cộng đồng bằng nhiều hình thức thông tin, công khai hóa, giới thiệu trên đài truyền thanh và đưa lên Website của trường.
Xây dựng chương trình hành động thực hiện chiến lược trên cơ sở xác định rõ tinh thần trách nhiệm, nhận thức trong hành động, từ đó phân công phân việc rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm, qui định thời gian hoàn thành với từng giải pháp thực hiện cụ thể. (có kế hoạch phụ lục kèm theo)
2. Xây dựng hệ thống chỉ số thực hiện:
Trường xây dựng hệ thống chỉ số dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng, xu thế hội nhập, phát triển từ năm 2010 đến 2015 và tầm nhìn vươn tới tương lai vào năm 2020. Trong quá trình tổ chức thực hiện trong từng hệ thống chỉ số có sự bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với thực tiển ( có kế hoạch phụ lục kèm theo).
3. Tổ chức giám sát và đánh giá:
Ban chỉ đạo ngoài việc tổ chức thực hiện kế hoạch chiến lược còn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra giám sát, giúp đỡ mọi thành viên có liên quan thực hiện tốt nhiêm vụ của mình. Tổ chức sơ tổng kết rút kinh nghiệm theo từng năm hoặc từng giai đoạn để đề xuất nội dung điều chỉnh, giải pháp thực hiện kế hoạch chiến lược đạt kết quả tốt.
Ban chỉ đạo thường xuyên giám sát quá trình thực hiện kế hoạch chiến lược so sánh tình hình thực tế và xu thế phát triển. Trên cơ sở đó xác định tình hình thực tiển để chỉnh lý hoặc điều chỉnh bổ sung kịp thời phù hợp với sứ mạng, giá trị và tầm nhìn của nhà trường, Kết hợp với yêu cầu phát triển của ngành, xã hội, nhà trường và các cơ quan hữu quan, từ đó có sự điều chỉnh cần thiết đáp ứng theo các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Lộ trình thực hiện ở chiến lược được tiến hành trong 3 giai đoạn, trong mỗi giai đoạn sẽ có kế hoạch cụ thể phù hợp thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, của ngành giáo dục và của nhà trường nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Giai đoạn 1: từ 9/2010 đến 9/2013
Giai đoạn 2: từ 9/2013 đến 9/ 2015
Giai đoạn 3: từ 9/2015 đến 12/ 2020.
Trên đây là nội dung kế hoạch chiến lược phát triển nhà Trường trung học cơ sở Lục Hồn giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn 2020, trong từng giai đoạn và thời gian nhất định nhà trường sẽ cụ thể hóa thành những kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, năm, học kỳ, để tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển nhà trường toàn diện, bền vững phù hợp với xu thế hội nhập, tầm nhìn phát triển và vươn tới tương lai.
Nơi nhận:
- Phòng GD&ĐT Bình Liêu (báo cáo);
- ĐU, UBND xã Lục Hồn ( báo cáo);
- Cán bộ, giáo viên, nhân viên (thực hiện);
- Lưu: Trường.
HIỆU TRƯỞNG PHÊ DUYỆT CỦA PGD & ĐT HUYỆN
(đã ký) PHÊ DUYỆT CỦA UBND XÃ LỤC HỒN
Phạm Thị Thanh