Giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển trường Mầm non Vô Ngại

 Trường Mầm non Vô Ngại được tách và thành lập từ năm 2009, trên cơ sở tách và thành lập từ trường Tiểu học Vô Ngại theo quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân huyện Bình Liêu. Trường Mầm non Vô Ngại nằm trên địa bàn xã Vô Ngại thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu, sự hỗ trợ kịp thời của Hội cha mẹ học sinh trong công tác chăm sóc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ.

Từ khi được tách và thành lập trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất lớp học, thiếu phòng học, không gian chơi, trang thiết bị dạy học… Được đưa vào sử dụng trong tháng 9 năm 2009, năm học 2009-2010 toàn trường mở 13 lớp mẫu giáo với 179 trẻ và 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên, từ đó tập thể sư phạm nhà trường đã có nhiều nỗ lực vượt khó, giải pháp xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo môi trường học tập cho trẻ.

Với sự quan tâm đầu tư của Uỷ ban nhân dân huyện, thời gian qua trường đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường có diện tích 6.996m2, trường được thiết kế xây dựng gồm các phòng chức năng, đảm bảo quy định về không gian đối với trường mầm non là: 31,9m2/trẻ. Chú trọng chăm lo chỗ ăn nghỉ cho các cháu, trường xây 13 phòng học với diện tích gần 580m2, đảm bảo thoáng mát, đủ ánh sáng tự nhiên, có thể làm phòng ngủ cho các cháu. Phòng vệ sinh được xây khép kín, đủ xà phòng rửa, vòi nước xả… Trường có bếp ăn rộng rãi (52m2) vận hành theo quy trình bếp ăn một chiều, đảm bảo vệ sinh, có tủ lạnh lưu mẫu… Khu sân vườn có diện tích theo quy hoạch là 3.250m2, có vườn rau cho các cháu chăm sóc, khu vui chơi với các loại trò chơi phong phú, trang thiết bị thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, phụ huynh. Để làm phong phú cho góc học tập, sân chơi cho trẻ, năm 2011 nhà trường đã xã hội hoá được nguồn kinh phí trên 24 triệu đồng mua sắm thiết bị, gần 9 triệu đồng từ phụ huynh chi trả tiền cấp dưỡng cho học sinh bán trú… Trường đã huy động cha mẹ học sinh với các hoạt động đoàn thể, huy động được 100% phụ huynh tham gia đóng góp tiền, ngày công dọn vệ sinh trường học, tu sửa lớp học, trồng cây xanh tạo thêm bóng mát trong khuôn viên trường... Đó cũng là những hoạt động nhằm xây dựng cơ sở vật chất trường ngày một khang trang, tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Trường nằm ở một xã có một địa bàn rộng lớn trải dải qua 17 khe, thôn, bản, có 5 dân tộc anh em (gồm: Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa và Kinh), trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 97,5%. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức chưa cao, công tác vận động đưa trẻ tới trường hoàn thành chuẩn phổ cập… là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó việc nâng cao chất lượng giáo dục luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng. Ngay từ đầu năm học nhà trường đã cử các giáo viên đến từng gia đình ở từng thôn, khe, bản điều tra số trẻ, phối hợp với các lực lượng ở thôn bản, những người có uy tín tuyên truyền tầm quan trọng của bậc học mầm non… Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết, lực lượng giáo viên trẻ năng động đã chủ động tham gia học tiếng dân tộc qua các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc, tiếng Dao Thanh Phán của huyện. Trong quá trình làm công tác vận động gia đình, các cô giáo đã tiếp xúc, chủ động tự học tiếng từ dân bản, từ trẻ, tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống của bà con… Vì thế mà việc công tác tuyên truyền vận động đưa trẻ tới trường, thực hiện chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi trở nên thuận lợi.Nhờ vậy, việc vận động và giữ vững tỷ lệ trẻ tới trường luôn đảm bảo trong những năm qua. Tiêu biểu là, năm 2011, trường đã vận động và tổ chức được 14 lớp mẫu giáo, tăng 1 lớp mẫu giáo so với năm 2010. Cụ thể: Ở các lớp mẫu giáo, đã vận động được 199 cháu tới trường, tăng 20 trẻ so với 2010, đạt 107% kế hoạch, vận động được 20 cháu ở nhóm lớp nhà trẻ ra lớp; 63 trẻ ở nhóm 5 tuổi tới trường đạt 100% kế hoạch đề ra và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Với thuận lợi đó, năm học 2011-2012, nhà trường đã tổ chức học 2 buổi/ngày ăn bán trú tại trường đạt 100%.

Bước vào năm học 2011-2012, trước nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong xã Vô Ngại, một xã vùng đặc biệt khó khăn của Huyện Bình Liêu. Với sự phát triển của nhà trường cả về số lượng lẫn chất lượng, được UBND Tỉnh, Sở GD& ĐT Quảng Ninh đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ, sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh học sinh đóng góp cùng với công sức lao động của cô và trò trong nhiều năm qua, trường Mầm non Vô Ngại ngày ấy, bây giờ nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang xanh - sạch - đẹp gồm 10 điểm trường, 17 phòng học với phòng ngủ riêng, bếp nấu ăn cho trẻ riêng, có văn phòng, hội trường, phòng nghệ thuật, thiết bị phục vụ các hoạt động nhà trường được trang bị đầy đủ đáp ứng được nhu cầu chăm sóc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ.

Song song với việc đạt được các tiêu chí chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu dạy tốt, học tốt, hoàn thiện các tiêu chí, đặc biệt công tác vận động đưa trẻ tới trường, hoàn thành chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Trường đã được công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm học 2012-2013.

Ngoài việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chuẩn đạt chuẩn quốc gia, tiếp tục nâng cao các chỉ tiêu đạt chuẩn theo quy định về: công tác tổ chức quản lý, đội ngũ giáo viên, xã hội hoá giáo dục... trường luôn chỉ đạo sát sao trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình dạy học, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tổ chức dạy học theo các chuyên đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm, ứng dụng CNTT vào giảng dạy...

Được sự chỉ đạo trực tiếp của ngành giáo dục và sự nhiệt quyết của cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường. Từ đó, lực lượng giáo viên càng ngày lớn mạnh kể cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, toàn trường đã mở được 17 nhóm, lớp với 355 trẻ, trẻ nhà trẻ đi học đạt 38,0% ; mẫu giáo đạt 100% so với dân số độ tuổi. Trường có 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đó có 30 giáo viên trực tiếp đứng lớp đạt chuẩn 100%; 03 cán bộ quản lý, 02 nhân viên.

Trải qua những năm xây dựng và phát triển đến nay trường Mầm non Vô Ngại huyện Bình Liêu đã từng bước thay đổi và đạt được nhiều thành tích trong công tác chăm sóc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ. Đạt được danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến, tập thể Lao động xuất sắc cấp huyện, cấp tỉnh, là 1 trong các trường đầu tiên của huyện Bình Liêu được công nhận trường mầm non đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 và qua các năm học. Vì vậy cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Mầm non Vô Ngại rất tự hào về những thành tích đã đạt được và không ngừng đổi mới quản lý nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ trong những năm học tiếp theo. Trường Mầm non Vô Ngại Là một trong nhữnng trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia. Tạo môi trường giáo dục sáng tạo, học tập năng động để giáo viên và học sinh phát triển tối đa khả năng tiểm ẩn của bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước. Hoạt động chăm sóc giáo dục, nuôi dưỡng trong nhà trường là giáo dục phong phú, lành mạnh, thân thiện, an toàn, có chất lượng giáo dục cao, để phát huy tính tích cực, sáng tạo và xây dựng khả năng tư duy về tính độc lập của trẻ. Hướng dẫn trẻ có khả năng giao tiếp ứng xử và biết quan tâm mọi người.

Tập thể sư phạm trường mầm non Vô Ngại luôn có Tình đoàn kết - Tình thương yêu - Lòng nhiệt tình - Tinh thần trách nhiệm - Sự tôn trọng - Sự hợp tác - Tính sáng tạo - Tính trung thực - Khát vọng vươn lên. Áp dụng chương trình giáo dục mầm non mới - Khả năng phát triển ngôn ngữ và phát triển tư duy - Phát huy tính tích cực, trong mọi hoạt động - Phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn II vào năm thơì gian tơí đảm bảo cơ sở vật chất phù hợp, trang trí giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng; Khả năng sáng tạo.

 

Trường Mầm non Vô Ngại hướng tới là một trong những trường có chất lượng chăm sóc giáo dục có chất lượng…. Đó là địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh.

(Ngô Thị Viền - Trường Mầm non Vô Ngại)