Gương sáng nhà giáo

 Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phong Dụ thuộc huyện Tiên Yên đến nay cô đã lập gia đình và sống tại mảnh đất Bình Liêu và cô là người hiếu học, từ nhỏ cô giáo Vi Thị Thìn đã mang trong mình mơ ước làm cô giáo, cô muốn đem tất cả lòng nhiệt huyết, yêu nghề mến trẻ đến các em thơ. Và điều mơ ước của cô đã trở thành hiện thực. Cô chính là tấm gương sáng trong trường với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong nghề nuôi dạy trẻ.

Đúng như Bác Hồ đã dạy: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ, muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu còn nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ nhỏ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”.

Quả đúng như vây, cô giáo Vi Thị Thìn ở trường chúng tôi là một người như thế. Cô sinh năm 1979, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh (nay thuộc Trường Đại học Hạ Long) năm 2004, đến nay cô đã công tác trong nghề 13 năm, cô Thìn được tuyển chọn về công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Hà Lâu tại cơ sở Khe Ngà đường đi từ nhà đến điểm trường cách khoảng 32 km, cô đã công tác tại trường đến năm 2009 mỗi năm cô được luân chuyển đến một cơ sở khác và đây cũng là thuộc vùng khó khăn nhất. Đến năm 2008 – 2009 cô được chuyển đến công tác tại trường Trung học phổ thông Bắc Buông. Năm 2009 -2010 cô công tác tại Trường Mầm non Phong Dụ. Từ năm 2010- 2011 đến nay cô chuyển về công tác tại đơn vị trường chúng tôi (Trường Mầm non Đồng Tâm huyện Bình Liêu) với tấm bằng và kết quả học tập khá cao. Tuy nhiên, những kiến thức trong nhà trường chỉ là hành trang ban đầu giúp cô từng bước tiếp cận và giáo dục trẻ mầm non, cô luôn học hỏi những bài giảng của các cô giàu kinh nghiệm đi trước, bởi để trẻ biết nghe lời, yêu mến, gần gũi thì người giáo viên phải hiểu tâm lý của trẻ để đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi. Cô Thìn chia sẻ: “Tôi luôn nhớ Bác Hồ đã từng dạy “làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được như thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt...”. Và tôi tin đây không chỉ là phương châm phấn đấu của riêng tôi, mà là của tất cả những giáo viên mầm non, những người đã chọn nghề, gắn bó với con trẻ và luôn say mê, nhiệt huyết với nghề”.

Suốt từng đó năm làm nghề nuôi dạy trẻ, cô được phân công nhiệm vụ chủ nhiệm lớp mẫu giáo 5-6 tuổi, lớp ghép 3-5 tuổi cô Thìn luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã được học tập của mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Một mặt không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, mặt khác cô luôn ân cần, tận tình trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhờ đó mà lớp do cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số trẻ từ đầu năm học đến cuối năm học đạt 100%, không có trẻ bỏ học giữa chừng, tỷ lệ trẻ tăng cân đều đặn hàng quý, 100% trẻ đạt được các mục tiêu của Bộ chuẩn trẻ 5 tuổi. Tất cả các cháu đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo trong quá trình tham gia các hoạt động học tập và vui chơi, các cháu nhanh nhẹn, hồn nhiên, ngoan ngoãn và lễ phép, biết chào hỏi khi có khách đến lớp, biết cảm ơn khi được người khác giúp, biết xin lỗi khi mắc lỗi.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ cô giáo Vi Thị Thìn luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một cô giáo mầm non về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì sự bền bỉ bởi, trẻ ở lứa tuổi mầm non là lứa tuổi các cháu rất hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với trẻ... sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.

Với vai trò là Tổ chuyên môn, cô giáo Thìn luôn nhiệt tình và đi đầu trong công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trường phát động, tham gia vào các hội thi, hội thảo như: hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo cấp trường, cấp huyện cô luôn đạt được các giải cao trong các hội thi; Nhiều năm liền tham gia bồi dưỡng các cháu tham gia các chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ hội của trường đều có giải. Bản thân cô luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động của nhà trường, có nhiều tiết dạy tốt và luôn nhắc nhở, động viên các giáo viên trong tổ thực hiện tốt quy chế chuyên môn, chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Đồng thời xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy và đạt kết quả cao.

Nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến lúc nào cũng thường trực ở cô giáo Thìn, nhất là từ sáng sớm đón trẻ tới lớp, đến khi chiều muộn đưa các cháu ra về với bố mẹ, gia đình, khiến phụ huynh đều rất yên tâm công tác. Trải qua nhiều lớp học, được trải nghiệm với các bé ở các độ tuổi từ 3 - 4 tuổi đến 5 tuổi, và ở mỗi độ tuổi của trẻ, cô Thìn đều biết khai thác cá tính của các bé. Ví như ở tuổi lên 3, các bé thường rất tinh nghịch, thích làm theo ý thích của mình, việc uốn nắn đưa các cháu vào nề nếp rất khó, nhưng cô Thìn đã chịu khó học hỏi, tìm tòi, biết ưu điểm của từng bé để động viên, khích lệ, khen ngợi kịp thời, phần lớn dùng phương pháp lời nói ngọt ngào, trìu mến để dỗ dành các bé. Còn đối với các bé 4 tuổi thường bắt đầu ham mê khám phá cái mới, thích hoạt động sôi nổi, thích được chơi trò chơi tinh nghịch, nên cô Thìn lại tìm những bài giảng mới, học tập kinh nghiệm của các cô đi trước, của đồng nghiệp ở các trường bạn để áp dụng cho bài giảng của mình. Cô Thìn được Ban giám hiệu Trường Mầm non Đồng Tâm chọn là nòng cốt để nhân diện trong toàn trường về thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục - phát huy vai trò “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” cho mọi hoạt động. Tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục, nhằm phát huy tính tích cực của trẻ, hình thành ở trẻ các phẩm chất mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động, thân thiện với mọi người xung quanh, lễ phép trong giao tiếp, và hình thành những kỹ năng cần thiết cho trẻ.

Chính vì vậy mà lớp học do cô Thìn chủ nhiệm nhiều năm liền được nhà trường chọn làm lớp điểm của trường và lớp học thân thiện, học sinh tích cực. Từ năm học 2015 – 2016 đến nay cô công tác tại điểm trường Sam Quang thuộc trường Mầm non Đồng Tâm với lớp ghép 3 độ tuổi, tổng số trẻ 20 cháu đều là hộ nghèo. Từ nhà cách trường 15km đường đi lại là đường đất nên rất khó khăn trong việc đến cơ sở, vào những ngày mưa cô phải đi bộ đến điểm trường. Riêng năm học 2016-2017 cô đã vận động được một học sinh có hoàn cảnh khó khăn ra lớp để đạt kế hoạch giao.

Trong những năm công tác tại trường và ở các cơ sở cô luôn vận động 100% trẻ ra lớp đạt kế hoạch, luôn trao đổi với các bậc phụ huynh về cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở nhà như thế nào cho khoa học và luôn được học sinh và phụ huynh tin yêu

Sự cần mẫn, chăm chỉ chịu khó học hỏi của cô đã đạt được ghi nhận bằng những kết quả đáng khích lệ, cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, giáo viên giỏi cấp huyện và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và với các kết quả trên cô được Sở giáo dục tỉnh Quảng Ninh ghi nhận thành tích và được Sở giáo dục tặng giấy khen năm học 2016 -2017.

Giáo viên mầm non là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, vì thế chúng tôi luôn xác định quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Trong đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường Mầm non Đồng Tâm có rất nhiều giáo viên tận tâm với nghề, giỏi nghề, yêu quý các cháu. Trong đó, cô Thìn là một tấm gương sáng trong nhà trường có lòng nhiệt huyết, luôn đi đầu trong mọi hoạt động. Tính cách người giáo viên mầm non hoạt bát, năng động, nhiệt tình, có năng lực và đặc biệt được phụ huynh rất tín nhiệm, các trẻ yêu quý, các nhóm lớp quý trọng.

Có thể nói với lòng tận tâm trong sự nghiệp “trồng người” cô giáo Vi Thị Thìn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục mầm non. Cô thật xứng đáng là tấm gương sáng trong ngành giáo dục.

 

                                                                                               Ngô Thị Hiền