Tin từ Internet 

Thầy giáo trẻ nặng lòng với điệu Then

Thầy giáo Tô Đình Hiệu (hàng dưới, thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên của Đoàn văn nghệ quần chúng huyện Bình Liêu tại Liên hoan nghệ thuật hát Then đàn tính toàn quốc lần thứ IV. Ảnh: TL

Vừa nâng nhẹ cây đàn tính, đo dây gẩy những nốt dạo cho một điệu Then, thầy giáo trẻ Tô Đình Hiệu, sinh năm 1983, giáo viên Trường THCS Hoành Mô, xã Hoành Mô (Bình Liêu) vừa kể cho chúng tôi nghe đôi nét về truyền thuyết của điệu Then và cây đàn tính của đồng bào Tày Bình Liêu. Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “thiên”, “thiên” tức là “trời”. Then trong truyền thuyết là điệu hát của thần tiên truyền lại. Đồng bào Tày cho rằng, có ba tầng trời, mỗi tầng đều có người sinh sống. Họ tin khi tiếng đàn tính, cùng lời Then cất lên là lúc các bà Then đang bắt đầu cuộc hành trình với từng đường Then dẫn quan quân đi khắp ba tầng trời và những điệu Then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời. Tiếng đàn tính vang vọng, lời Then ngọt ngào nồng ấm, là món ăn tinh thần hơn tất thảy các món ăn tinh thần khác.

Nằm ở sát biên giới, núi non trùng điệp, đường sá đôi đoạn còn cách trở, nhưng ở đất Hoành Mô, gần như không ai là không biết thầy giáo Hiệu. Từ lâu, bà con nơi đây đã coi thầy Hiệu như một thành viên trong gia đình mình. Bởi thầy là một trong số ít người trẻ tuổi còn giữ được những làn điệu, những câu hát Then (đặc biệt là Then cổ) của đồng bào dân tộc Tày huyện Bình Liêu. Không chỉ yêu quý, gìn giữ nó, người thầy giáo trẻ còn đang ngày đêm miệt mài truyền lại điệu Then cho chính những học sinh của mình cùng bà con dân tộc ở đây.

“Am sách khẩn thâng bản lườn ư… Cạ tào lỵ… cạ slư nọng ý” (Ôm chồng sách lên bản vùng cao… Cô giáo lên bản dạy chữ...). Hát một đoạn Then nhẹ nhàng để tạo không khí cho cuộc nói chuyện, thầy Hiệu buông cây đàn tính, thầy kể: Có lẽ mình đã được nghe những làn điệu hát Then ngay từ trong bụng mẹ. Sau này lớn dần bằng dòng sữa mẹ và bằng những điệu Then khi mẹ địu lên nương. Lớn thêm, có những ngày trông em để mẹ làm nương, mình bắt chước mẹ cũng hát Then để ru em ngủ. Điệu Then từ đó cứ ngấm dần vào máu… Rồi khi được dạy chơi đàn tính, tiếng đàn tính hoà với tiếng Then càng làm cho mình yêu Then nhiều hơn. Còn nhớ, điệu hát Then mình biểu diễn trên sân khấu lần đầu tiên khi mình còn là học sinh Trường THCS Bình Liêu tham gia chương trình ngoại khoá tìm hiểu quê hương Bình Liêu.

Giờ ra chơi, thầy gọi đến phòng mấy em học sinh của Trường THCS Hoành Mô, tất cả đều là thành viên trong đội văn nghệ của nhà trường. Thầy Hiệu chia sẻ: Đã trót nặng nợ với Then, mình chẳng quản ngại khó khăn hay nghĩ đến công lao. Chỉ mong càng ngày sẽ càng có nhiều người trẻ như những lớp học trò này biết hát Then, biết chơi đàn tính, rồi từ đó truyền lại tình yêu và lòng say mê với điệu Then của dân tộc Tày huyện Bình Liêu tới nhiều người. Các em học sinh là thành viên của đội văn nghệ cứ mỗi khi rảnh rỗi là tụ họp ở nhà mình để mình dạy cho hát Then và cách chơi đàn tính.

Được biết, thầy Hiệu luôn là người tiên phong cùng đội Thông tin lưu động của huyện đi hát Then ở rất nhiều khe bản xa xôi. Thầy cũng sẵn sàng hát khi xã hay huyện có các chương trình văn nghệ quần chúng, hoặc cùng các thành viên CLB Then - Thơ - Ca huyện Bình Liêu, Đội văn nghệ quần chúng huyện Bình Liêu đi tham gia các hội thi, liên hoan hát Then trong khu vực cũng như toàn quốc. Mới đây, trong Liên hoan nghệ thuật hát Then đàn tính toàn quốc lần thứ IV được tổ chức tại Lạng Sơn, thầy đã cùng Đoàn văn nghệ quần chúng huyện Bình Liêu đoạt 3 giải A, 2 giải B và 1 giải C. Riêng thầy còn được giải cá nhân Nghệ nhân trẻ tuổi nhất Liên hoan.

Trước khi chia tay, nghe thầy cùng với đội văn nghệ hoà nhịp trong điệu Then, tôi như nghe được tiếng rừng, tiếng suối hoà quyện trong từng lời ca, tiếng đàn, thấy được tình yêu với điệu Then, cây đàn tính, cảm nhận được tâm tình của bà con dân tộc Tày đất Bình Liêu…

 

VTV (Theo báo QN)