Cấp Tiểu Học 

Những lớp học xoá mù chữ ban đêm

     Tiết Tiếng Việt tại lớp Xóa mù chữ ban đêm tại thôn Loòng Vài xã Hoành Mô -Ảnh: Phạm Hoạch.

         Hơn nửa năm nay, vào buổi tối, hàng trăm học sinh đặc biệt, là những người phụ nữ, đàn ông dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao ở các thôn, bản vùng cao của huyện Bình Liêu, trong đó nhiều người đã lên chức ông, bà, vẫn nhiệt tình rủ nhau theo học các lớp xoá mù chữ. Những mái đầu tóc đã bạc cặm cụi học lấy từng con chữ; những giáo viên trẻ miệt mài cầm tay, hướng dẫn học viên lớn tuổi uốn từng nét chữ cho thẳng, phát âm từng con chữ cho rõ..., là những hình ảnh rất đẹp của các lớp học ban đêm này.

Những niềm vui không bao giờ là muộn

     Đúng 19h, trong tiết trời se se lạnh của những ngày đầu thu, cơn mưa vừa ngớt, tôi cùng anh Lý Thành Chung, cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Bình Liêu mặc áo mưa, chở nhau bằng xe máy đến xã Hoành Mô cách trung tâm huyện hơn 16km để dự một buổi học xoá mù chữ ban đêm tại Nhà văn hoá bản Loòng Vài. Mất nửa tiếng đồng hồ chúng tôi đến nơi. Lớp học lúc này có khoảng hơn 20 học viên. Cô giáo La Thị Thương, Trường Tiểu học Hoành Mô I, đã có mặt từ rất sớm, đang sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị bài giảng. Cô giáo Thương cho biết, hàng tối, từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, cô một mình chạy xe vượt quãng đường hơn 6km, qua những quả đồi cao, đường núi quanh co, heo hút để đến với lớp học xoá mù chữ ở đây. Hôm nay do trời mưa, một số học viên đến muộn, nên thay vì 19h30’ như mọi hôm, gần 20h lớp học đêm ở bản Loòng Vài mới bắt đầu. Trên bục giảng cô giáo Thương nhiệt tình dạy các học viên môn Tiếng Việt, chốc chốc lại xuống tận bàn học, hướng dẫn học viên đánh vần những từ khó phát âm. Những học viên, bàn tay chai sạn, bao lâu nay chỉ quen cầm cày, cầm cuốc, tập trung cao độ viết từng nét chữ trên trang giấy trắng học trò. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh, rõ cả tiếng ngòi bút trên trang giấy, đã xua đi cái tĩnh lặng vốn có của núi rừng bản, làng vùng cao. Những học sinh đặc biệt này, hoặc do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hoặc do tâm lý e ngại, hay do lấy chồng sớm, nên đều chưa một lần đến trường. Được tuyên truyền vận động tham gia lớp học xoá mù chữ ban đêm, sau một thời gian ngắn, mọi người đều vui mừng vì từ bây giờ đã có viết và đọc được tên của mình, của người thân, tên bản, tên xã, làm được những phép tính đơn giản.

      Học viên của lớp đông nhất là các chị ở độ tuổi 20-50. Những người phụ nữ Tày, Sán Chỉ lấy chồng từ rất sớm, đẻ tới 5-6 người con, quanh năm lam lũ với ruộng nương, công việc gia đình. Nên với họ, việc lần đầu tiên được cầm chiếc bút viết những chữ cái đầu tiên khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc lên nương, cầm liềm cắt lúa. Ngồi dãy bàn đầu là hai mẹ con chị Đặng Thị Sủi, nhà ở bản Loòng Vài. Chị Sủi mới ngoài 30 tuổi, nhưng nhìn ngỡ gần 50. Ngồi cạnh chị là con gái Trần Thị Hằng, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hoành Mô I. Buổi tối thấy mẹ xách túi đến lớp, em Hằng cũng lon ton đi theo. Ngồi cạnh mẹ, mỗi khi thấy mẹ đánh vần sai, hay viết những chữ thiếu dấu, em lại nhắc mẹ đọc và viết lại cho đúng.

      Học trò nhiều tuổi nhất lớp học, bà Nình Thị Nàng năm nay đã ngoài 60 tuổi, đã lên chức bà nội, bà ngoại với gần 20 đứa cháu. Hàng ngày, bà ở nhà trông nom các cháu và làm việc nhà. Không giấu được niềm vui, bà Nàng khoe, giọng vẫn còn ngọng: “Trước khi theo học lớp ban đêm này, nhà tôi chỉ mỗi tôi không biết chữ. Nhiều khi đi chợ, do không biết con số, nên trả tiền hay bị nhầm. Từ ngày lớp học xoá mù chữ được tổ chức tại bản, tôi bảo với chồng và các con “Buổi tối, tao sẽ đi học chữ, để còn biết đọc, biết viết, biết con số cho đỡ khổ”. Đến nay sau gần 2 tháng theo học, tôi đã biết đọc, biết viết, làm các phép toán đơn giản. Dù là muộn, nhưng tôi rất vui”.

      Gần 21h, rời điểm học Loòng Vài, mang theo niềm vui của các học viên ở đây, chúng tôi tiếp tục đến lớp học xoá mù chữ được mở tại điểm trường Ngàn Vàng dưới (Trường Tiểu học Đồng Tâm). Đồng Tâm là một trong những xã có tỷ lệ người mù chữ khá cao, chiếm tới 14,7% dân số của xã. Riêng bản Ngàn Vàng Giữa có 54 hộ với 320 nhân khẩu, trong đó có 24 người không biết chữ.

     Cô giáo Lý Thị Hạnh phụ trách lớp học, cho biết, lớp học có 18 học viên, nhưng do chập tối trời mưa to, nên hôm nay chỉ có 12 học viên ra lớp… Trong số này, chỉ có duy nhất học viên nam Dương Văn Tằng, năm nay ngoài 30 tuổi, nhà ở bản Ngàn Vàng dưới. Vừa viết tên mình và tên bản cho chúng tôi xem, anh Tằng kể: Trước đây nhà nghèo, lại ham chơi, rồi lấy vợ sớm, sinh con, nên không được đến trường, không biết cái chữ. Nay con cái đã lớn và đều được đi học, cả nhà biết chữ, nên anh quyết tâm đi học để không thua thiệt với vợ con trong nhà.

      Có mặt tại lớp học điểm trường Ngàn Vàng dưới từ khá sớm, lặng lẽ quan sát các học viên của bản theo học, anh Lý Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, trao đổi cùng tôi: Đây là bước khởi đầu, nhưng rất quan trọng. Việc xoá mù chữ cho đồng bào được Đảng uỷ, chính quyền từ huyện, xã đến bản xác định là giải pháp đầu tiên để nâng cao hiểu biết cho người dân, xoá nghèo bền vững. Người dân ở đây đang dần thấy được lợi ích thiết thực của việc học chữ. Khi mọi người, mọi nhà đều biết đọc, biết viết, biết làm toán sẽ giúp cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân, người dân cũng áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, mang lại thu nhập cao hơn.

Cô giáo La Thị Thương hướng dẫn học viên cao tuổi nhất lớp Nình Thị Nàng viết từng con chữ. Ảnh Phạm Hoạch

Mong một ngày mai tươi sáng

      Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong việc mở và duy trì các lớp học xoá mù chữ ban đêm, chị Đào Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: Để mở được những lớp học xoá mù chữ, dạy cho bà con biết đọc, biết viết, từ đội ngũ giáo viên đến cán bộ cấp huyện, xã, thôn, bản đã rất nỗ lực để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền những người phụ nữ, đàn ông tuổi mang tâm lý ngại đi học, xấu hổ khi đã tuổi này rồi vẫn còn phải cắp sách đến lớp học như con, cháu trong nhà. Hơn nữa, những học viên này đa số là lao động chính trong gia đình, việc học và tiếp thu kiến thức rất chậm, dễ sinh chán nản, dẫn đến bỏ học. Vì vậy, việc vận động các học viên đặc biết này ra lớp đã khó, duy trì sĩ số lớp học càng khó gấp bội...

      Từ đầu năm đến nay, Phòng đã phối hợp với các phòng, ban liên quan, các xã, nhất là Trung tâm Học tập cộng đồng ở các xã, tổ chức được 13 lớp học xoá mù chữ đợt I, tại 7 xã, với 354 học viên, trong đó đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục xoá mù chữ cho 249 học viên. Đợt II mở 14 lớp, 356 học sinh tại 7 xã; tiếp đến kế hoạch đợt III là 13 lớp, 295 học sinh tại 6 xã.

      Lớp xoá mù chữ tại bản Loòng Vài kể trên thuộc đợt II, được mở từ đầu tháng 8 vừa qua, thu hút 28 học viên từ 15 đến 60 tuổi ở hai bản Loòng Vài và Ngàn Kéo. Ở những lớp học xoá mù chữ tại bản Loòng Vài, bản Ngàn Vàng, cũng như ở các thôn, bản khác trong huyện Bình Liêu, hình ảnh những người phụ nữ, đàn ông người Sán Chỉ, Tày, Dao đã lên chức ông, bà, có người không nói được một câu tiếng Kinh nào, vào mỗi tối miệt mài cầm bút tập viết cùng học viên độ tuổi con cháu; chuyện cô giáo nói một thứ tiếng, học trò nói nhiều thứ tiếng; chuyện những người phụ nữ cùng chồng, cùng con đến lớp học buổi tối đã không còn là chuyện lạ nữa. Mẹ vừa học vừa hỏi con ngồi cạnh, chữ này đọc thế nào, viết thế nào; hai vợ chồng vừa học vừa bàn mai lên nương làm gì…

      Cô giáo Hạnh ở lớp xoá mù chữ bản Ngàn Vàng dưới bộc bạch: “Những ngày tạnh ráo thì lớp đi khá đầy đủ, nhưng vào những ngày mưa, gió thì lớp rất vắng. Việc dạy và học cho học viên rất mất thời gian, công sức, bởi bà con nói tiếng Việt không sõi, nên họ tiếp thu cũng khó. Học vài tháng thì bắt đầu biết viết vài chữ, biết đánh vần, biết đọc. Sau đó, nếu bà con có nhu cầu thì mới tiếp tục dạy lên theo chương trình của các lớp cao hơn”.

     Còn với Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, anh rất tin tưởng: Dù chưa thấy được ngay, nhưng chắc chắn, những lớp học xoá mù như thế này sẽ có hiệu quả trong đời sống của bà con dân tộc nơi đây. Vượt lên trên khó khăn, họ đã biết yêu quý cái chữ, coi việc học cái chữ là cái đích để cải thiện cuộc sống của mình, dù việc học hành đôi khi vẫn bị gián đoạn bởi công việc mưu sinh hàng ngày. Mỗi sớm thức dậy, những học viên lại tất tả lên nương, đem những kiến thức học được đêm trước, dù còn ít ỏi vào công việc, cuộc sống hàng ngày với niềm vui hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn.

Lý Thành Chung (theo Báo Quảng Ninh)