Cấp Tiểu Học 

Chuyên đề dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột

      Việc hình thành cho học sinh một thế giới quan khoa học và niềm say mê khoa học, sáng tạo là một mục tiêu quan trọng của giáo dục hiện đại. Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối với bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, khi học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Nhằm tạo tinh thần ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học cho học sinh Tiểu học, ngày 13 tháng 11 năm 2015, tại Trường TH Thị trấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Liêu tổ chức Chuyên đề dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột. Dự và chỉ đạo có đồng chí Ngô Văn Mậu, Phó trưởng Phòng GD&ĐT.

         Sau khi được dự các tiết dạy thực nghiệm và các báo tham luận về công tác chỉ đạo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề từ thực tiễn gặp phải: Như đối tượng học sinh học tại các điểm trường vùng cao, trình độ hiểu biết của đội ngũ giáo viên, đồ dùng thí nghiệm... Từ các vấn đề gặp phải từ thực tiễn cũng như qua dự giờ 02 thực nghiệm, lãnh đạo và chuyên viên Phòng GD&ĐT đã thống nhất một số nội dung về tiến trình và kiến thức môn học, để các nhà trường chỉ đạo và thực hiện tốt phương pháp dạy học mới này. Theo đó, các trường cần thực hiện tốt các nội dung sau đây: (1). Triển khai và thực hiện nghiêm túc phương pháp Bàn tay nặn bột tới tất cả các khối lớp (2). Tổ chức các chuyên đề cấp trường để giáo viên và học sinh thực hiện tốt phương pháp này (3).Chỉ đạo tổ khối thống kê các bài dạy ở môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1,2,3; Khoa học 4,5 có thể áp dụng theo phương pháp Bàn tay nặn bột để giáo viên chủ động trong công tác chuẩn bị bài (4). Ban giám hiệu các trường thường xuyên thăm lớp dự giờ, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả áp dụng dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột tại các trường tiểu học trong huyện./.

Lê Thị Bẩy (Phòng GD&ĐT)