Cấp Tiểu Học 

Chuyên đề tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

 Ngày 09/11/2018 tại Trường TH Vô Ngại, Phòng GD&ĐT Bình Liêu tổ chức Hội nghị chuyên đề dạy học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Dự Hội nghị có các đồng chí chuyên viên Phòng GD&ĐT Bình Liêu, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn các trường Tiểu học và các giáo viên dạy ở điểm trường vùng cao của các trường Tiểu học.

Tại Hội nghị đại biểu được dự 02 tiết thực nghiệm của giáo viên Trường TH Vô Ngại, nghe các báo cáo tham luận của Trường TH Lục Hồn về hình thức, biện pháp thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; báo cáo tham luận của Trường TH Đồng Văn về Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Cán bộ, giáo viên tham dự chuyên đề đã sôi nổi thảo luận về tiến trình cũng như việc lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trong từng tiết học và bài học cụ thể cũng như qua báo cáo tham luận của các nhà trường đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn vướng mắc tại đơn vị để thảo luận và tìm giải pháp thực hiện hiệu quả việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Hội nghị thống nhất thực hiện tốt một số nội dung quan trong trong việc dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như: Các nhà trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể nhằm thu hút 100% học sinh tham gia nhất là học sinh tại các điểm trường lẻ. Chú trọng việc sử dụng đồ dùng trong các giờ học, tránh dạy chay; hướng dẫn học sinh thám gia các hoạt động tập thể, các việc tự phục vụ cho bản thân; tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống để tăng cường khả năng giao tiếp cho học sinh.

Chuyên đề dạy học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được Phòng GD&ĐT chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm liên tục nhằm định hướng cho đội ngũ giáo viên những phương pháp và hình thức tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số hiệu quả nhất. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục vùng cao nói riêng./.

Lê Thị Bẩy